CHƯƠNG TRÌNH NGOẠI KHÓA VỚI CHỦ ĐỀ:
GIAO LƯU VĂN HÓA, VĂN NGHỆ, ẨM THỰC NHẰM GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC CÁC DÂN TỘC TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Như chúng ta đã biết, văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá riêng. Bản sắc văn hóa là đặc thù, là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi; những giá trị đặc trưng riêng của dân tộc. Giá trị văn hoá đích thực luôn có sức mạnh cảm hoá con người hướng tới Chân - Thiện - Mĩ. Bên cạnh những yếu tố tích cực trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, một số nét văn hóa cổ truyền dường như đang bị mai một dần.Văn hóa của các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập cũng đang bị mất dần đi một số nét đẹp truyền thống. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung là bổn phận của mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội.
Ngày 11 tháng 01 năm 2019. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu, Trường TH xã Núa Ngam tiến hành tổ chức tiết ngoại khóa với chủ đề “ Giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương”, Với 5 khối lớp tham gia tương ứng với 5 dân tộc sinh sống tại địa phương như:
+ Khối 1 mang đặc trưng của dân tộc Thái
+ Khối 2 mang đặc trưng của dân tộc Kinh
+ Khối 3 mang đặc trưng của dân tộc Khơ Mú
+ Khối 4 mang đặc trưng của dân tộc H.Mông
+ Khối 5 mang đặc trưng của dân tộc Lào
Phần thi trình diễn trang phục của 5 khối lớp mang đặc trương của 5 dân tộc: Thái, Kinh, Khơ mú, H.Mông, Lào
Phần thi văn nghệ của 5 khối lớp mang đặc trương của 5 dân tộc: Thái, Kinh, Khơ mú, Mông, Lào
Phần thi ẩm thực của 5 khối lớp mang đặc trương của 5 dân tộc: Thái, Kinh, Khơ mú, Mông, Lào
Phần thi văn hóa, văn nghệ, ẩm thực các dân tộc được các khối lớp từ khối 1 đến khối 5 hóa thân thành các dân tộc như Thái, Kinh, Khơ mú, H.Mông, Lào, đã mang lại những đặc trưng riêng của dân tộc mình.
Văn hóa, văn nghệ, ẩm thực của các khối trong toàn trường
Dân tộc đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc Thái: Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng người đông và có nền văn hóa đặc sắc, đã được 2 em học sinh đại diện cho khối 1 khoác trên mình bộ trang phục Thái.
Bên cạnh những bộ trang phục đẹp mắt và mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Thái thì phần Ẩm thực của dân tộc Thái đã khiến nhiều người khó có thể quên được nếu đã từng nếm thử.Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là “mắc khén” (một loại tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối… Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm.
Xôi nếp lá tím ( Khẩu cắm) là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất khéo. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu.
Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi.Cách chế biến món măng của người Thái cũng thật đặc biệt và cầu kỳ.
Ẩm thực của người Thái không chỉ sự cầu kỳ trong khâu chế biến món ăn mà còn trong cách chế biến gia vị, trong đó phải kể đến chẳm-chéo. Chẳm-chéo được làm từ ớt, tỏi, rau mùi, muối và mắc khén.
Những phương pháp chế biến món ăn của người Thái được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong dân gian, hoàn toàn không có bất cứ trường lớp nào truyền dạy. Chính điều này đã khiến cho những món ăn của người Thái không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.
Những món ăn đặc trưng của dân tộc Thái đã được khối 1 chế biến và trưng bày
Khối 1: tham gia văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đặc trưng của dân tộc Thái
Dân tộc thứ 2 chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc Kinh: Nhìn chung, trang phục của dân tộc Kinh từ xưa đến nay đều rất phong phú và đa dạng về chủng loại, ngoài ra, chúng còn có sự khác biệt về phong cách mặc ở các dân tộc thuộc các vùng miền khác nhau. Xưa kia, đàn ông người Kinh mặc khố, để tóc dài, búi tó hoặc thắt khăn đầu rùi, tiếp đến họ mặc áo cách nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà và có hai túi phía dưới, áo dài,... Chính từ nét đẹp đó đã lưu truyền đến ngày hôm nay và đã được 2 em học sinh của khối lớp 2 trường TH xã Núa Ngam trình diễn những bộ trang phục mang đậm nét đẹp của dân tộc Kinh.
Bên cạnh đó thì Ẩm thực của người Kinh phong phú và đa dạng với cách chế biến, thưởng thức món ăn theo đặc điểm tự nhiên, sinh hoạt, sản xuất và phong tục tập quán ở từng vùng miền khác nhau.
Ẩm thực người Việt ở các vùng miền khác nhau có sự phân hóa rõ rệt song vẫn có hai yếu tố thống nhất là gạo đóng vai trò chủ đạo và trong bữa ăn, nhất định phải có nước chấm, gia vị. Người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, mà mỗi bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa.
Khối 2: tham gia văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đặc trưng của dân tộc Kinh
Dân tộc thứ 3 mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc Khơ mú: Cũng giống một vài dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của người Khơ mú mang ảnh hưởng trang phục của người Thái, bao gồm Khăn Piêu, , xài ẻo, áo cỏm và váy làm bằng vải tràm đen. Nhưng một vài nét khác biệt ta bắt gặp ở dân tộc này là cách quấn khăn của phụ nữ người Khơ mú, khăn được quấn quanh đầu, khéo léo khoe phần hoa văn tinh xảo ở phía ngoài.
Ngoài ra, dọc hai bên mắc pém trên áo cỏm được trang trí bằng những bộ giải hình mặt trời tròn và mặt trời khuyết, ở giữa đính những đồng tiền bạc như thể hiện lòng thành kính, mong chờ sự che chở của thần mặt trời cho cuộc sống phồn thịnh, hạnh phúc hơn.
Hoa văn trên váy người Khơ Mú cũng thể hiện tính sáng tạo độc đáo với những tạo hình của mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban… Trang phục người Khơ Mú vì thế mang âm hưởng khỏe khoắn của núi rừng.
Các món ăn gồm có:cá nướng, thịt lợn, thịt trâu, thịt bò... Ngoài ra còn có món xương lam, người Khơ Mú lấy xương sụn băm nhỏ lẫn với các loại gia vị mắc khén, ớt cay, muối, sả, tỏi, húng quế, thì là... rồi nhồi vào ống nứa, nướng trên than hồng; Ngoài ra dân tộc Khơ Mú còn có món ăn đặc trưng của dân tộc mình “ món Mọ” có thể là mọ thịt gà, mọ thịt lợn hay là mọ nấm rừng… nhưng không thể thiếu gạo nếp ngâm rồi giã nát, trộn các loại với nhau rồi dùng lá chuối rừng để gói, sau đó đem đồ chín.
Những món ăn đặc trưng của dân tộc Khơ mú đã được khối 3 chế biến và trưng bày
Các món canh bao gồm: Canh pịa (grong bria), đây là món ăn độc đáo nhất, người ta lấy phụ tạng của trâu, bò hay lợn, thịt thăn băm nhỏ đem trộn gia vị, phèo non rồi đem nấu chín; Món lám nhọ (đong uru), đây là món canh thập cẩm, nấu lẫn các loại rau bí, quả bí non, ớt non, hoa chuối rừng, da trâu gác bếp ( hơi có mùi mới tạo nên đặc trưng của món ăn này) ngoài ra nếu có thịt sóc hoặc thịt chuột thì món ăn sẽ hấp dẫn hơn, tất cả cho vào ống nứa đem làm chín. Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.
Khối 3: tham gia văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đặc trưng của dân tộc Khơ mú
Dân tộc thứ tư mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc H.Mông: dân tộc H.mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt : Dân tộc thứ tư mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc H.MôngNam. người H.mông luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ H.Mông Tây Bắc bao gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng, thắt lưng buông hai dải dài phía sau, tấm vải che đằng trước váy hay còn gọi là khố, Khăn quấn đầu, Xà cạp và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy. Phụ nữ H.Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy . Đi liền với những trang phục H.mông nữ là những đồ trang sức: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Người H.Mông sử dụng chủ đạo bốn màu xanh, đỏ, trắng, vàng tạo nên các hình họa tiết muôn màu muôn sắc. Trong đó, họa tiết tập trung chủ yếu ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng. Kỹ thuật thêu hoa văn của họ rất phức tạp thể hiện sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ của bàn tay người phụ nữ. Tạo hình các hoa văn trên trang phục phần nào biểu trưng cho cuộc sống hân hoan, niềm tin yêu thiên nhiên mãnh liệt của người H.Mông Tây Bắc.
Trang phục nam H.mông độc đáo khác nhiều tộc người trong khu vực, nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Loại bốn thân xẻ ngực, hai túi trên, hai túi dưới loại này thường không trang trí loại năm thân được trang trí những đường vằn ngang trên ống tay. Quần nam giới là loại chân què ống rộng.
Khám phá ẩm thực của dân tộc H.Mông, chúng tôi ấn tượng ngay với một món ăn bình dị mà đặc biệt, là mèn mén. Một món ăn truyền thống của người H.Mông, mèn mén được hiểu là món bột ngô hấp, được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình dị nhưng đem lại cho chúng tôi cảm nhận rất thú vị bằng chính hương vị thơm ngon đặc biệt. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngon đậm đà.
Không chỉ có Mèn mén, nhắc đến món ăn của người H.Mông làm từ ngô phải kể đến món bánh hấp dẫn được gọi là bánh ngô “pá páo cừ”. Bánh ngô chủ yếu được làm từ ngô nếp, thơm và dẻo. Khi hạt ngô còn sữa, hái về đem tách hạt rồi cho vào cối đá xay nghiền thành bột. Sau đó, họ bỏ bột ngô xay vào trong một chiếc túi treo lên cao để phần nước thoát ra ngoài còn bột ngô được giữ lại bên trong.
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H'mông, có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc). Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, và thịt lợn.
Khối 4: tham gia văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đặc trưng của dân tộc H.Mông
Dân tộc cuối cùng chúng tôi muốn nhắc tới đó là Dân tộc Lào: Trang phục truyền thống của Lào rất đặc biệt, phản ánh phong tục của người Lào, có tên gọi là Sỉn (dành cho nữ giới) và Salong (dành cho nam giới). Sỉn là một chiếc váy ống được làm bằng lụa tơ tằm hoặc bông dệt họa tiết tinh tế hoặc thêu các hoa văn tinh xảo. Một chiếc váy Sỉn thường được dệt công phu ở chân.
Sỉn gồm ba phần chính là Hua sỉn (phần thắt lưng thường che kín khi mặc), Phừn sỉn (phần chính chiếc váy thường có một hoặc hai màu), và Tìn sỉn (đường viền dưới chân được dệt công phu có khi được trang trí bằng nhiều họa tiết đẹp mắt). Khi người phụ nữ mặc Sỉn người ta sẽ quấn chiếc khăn cùng màu ngang qua phần trên cơ thể để tăng thêm phần duyên dáng của người phụ nữ Lào.
Người Lào ăn gạo nếp là chính; các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh, và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc, …
Mắm cá (pa dek) và nước mắm (nám pla) được người Lào sử dụng hết sức phổ biến. Các Món Ngon Đặc Trưng Cho Văn Hóa Ẩm Thực Lào gồm Xôi nếp nương. Xôi là món ăn quan trọng hàng ngày của người Lào không thể thiếu được. ...Khi nhắc tới ẩm thực thì không thể thiếu được món lạp....
Khối 5: tham gia văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đặc trưng của dân tộc Lào
Thông qua buổi ngoại khóa tại trường TH xã Núa Ngam với chủ đề : “Giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc tại địa phương”. Đã được các em học sinh đại diện cho 5 khối lớp mang đậm bản sắc của 5 dân tộc sinh sống trên địa bàn tham gia thi các phần thi văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đã thành công tốt đẹp.
* Kết quả đạt được như sau:
+ Khối 1 mang đặc trưng của dân tộc Thái:
- Đạt giải nhất phần thi trình diễn trang của dân tộc Thái
- Đạt giải nhì phần thi ẩm thực các món ăn dân tộc Thái
+ Khối 2 mang đặc trưng của dân tộc Kinh:
- Đạt giải nhất văn nghệ
- Đạt giải ba ẩm thực
+ Khối 3 mang đặc trưng của dân tộc Khơ Mú:
- Đạt giải nhất thi ẩm thực các món ăn dân tộc Khơ mú
- Đạt giải ba văn nghệ
+ Khối 4 mang đặc trưng của dân tộc H. Mông:
- Đạt giải ba thi ẩm thực các món ăn dân tộc H.Mông
- Đạt giải ba văn nghệ
- Đạt giải nhì trang phục
+ Khối 5 mang đặc trưng của dân tộc Lào:
- Đạt giải ba thi ẩm thực các món ăn dân tộc Lào
- Đạt giải nhì văn nghệ